Xơ vữa động mạch chi dưới – một bệnh lý khá phổ biến mà khá nhiều người đã từng nghe qua. Bệnh này có nguy hiểm hay không? Triệu chứng và phương pháp điều trị như thế nào? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để có câu trả lời chi tiết nhất nhé!
Xơ vữa động mạch chi dưới là gì
Xơ vữa đông mạch chi dưới hay xơ vữa động mạch chân là một loại bệnh lý gây ra tổn thương cho hệ thống các động mạch trong cơ thể. Những người mắc phải xơ vữa động mạch nếu không có biện pháp can thiệp và điều trị kịp thời, bệnh sẽ phát triển thành xơ vữa động mạch vành và xơ vữa động mạch não gây nên những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng.
Quá trình hình thành xơ vữa động mạch chi dưới
Bác sĩ CKII Huỳnh Ngọc Long, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, nguyên nhân chính gây xơ vữa động mạch chính là sự tích tụ và lắng đọng của cholesterol LDL (Low-Density Lipoprotein) trong thành động mạch, đặc biệt là dưới lớp tế bào nội mạch.
Cholesterol LDL, hay được biết đến như một loại “mỡ xấu”, khi lưu thông trong hệ thống mạch máu sẽ tích tụ tại những điểm có tổn thương nội mạch, sau đó ép vào và tạo sự lấn sâu trên thành động mạch.
Khi cholesterol LDL xâm nhập, bạch cầu sẽ di chuyển đến để phản ứng. Tuy nhiên, bạch cầu không thể phân hủy mỡ xấu này. Khi chết, bạch cầu vỡ ra, giải phóng cholesterol LDL và các chất hóa học khác, thu hút thêm bạch cầu mới đến và tạo ra một chu trình lặp lại. Quá trình này dẫn đến mảng xơ vữa bắt đầu hình thành và dày lên theo thời gian, làm giảm đường kính của động mạch và gây áp lực lên thành mạch.
Xơ vữa động mạch chi dưới nguy hiểm như thế nào?
Xơ vữa động mạch có thể dẫn đến sự thu hẹp của các động mạch ở chi dưới, gây ra các cơn đau cách hồi (đau bắp chân khi di chuyển), làm thay đổi màu da, cảm giác lạnh hoặc rát bỏng. Nếu tình trạng này không được điều trị kịp thời, có thể dẫn đến liệt chi hoặc hoại tử các mảnh da do thiếu máu.
Ngoài ra, xơ vữa động mạch có thể hình thành ở bất cứ điểm nào trên cơ thể. Nếu không được điều trị kịp thời, xơ vữa động mạch có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm khác như:
Gây nên bệnh động mạch vành
Động mạch vành là nhánh động mạch chịu trách nhiệm cung cấp máu cho cơ tim. Xơ vữa động mạch vành gây ra sự thu hẹp và thiếu máu cho cơ tim, dẫn đến triệu chứng đau ngực, đau thắt ngực. Khi tế bào cơ tim bị tổn thương nghiêm trọng, bệnh nhân có thể bị suy tim, khó thở và mệt mỏi khi vận động.
Gây nên bệnh động mạch não
Động mạch não chịu trách nhiệm cung cấp máu cho các tế bào não. Động mạch não bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn sẽ dẫn đến thiếu máu não. Bệnh nàu có các triệu chứng như chóng mặt, yếu/liệt các phần của cơ thể, thiếu máu não thoáng qua (TIA). Trong trường hợp mạch cảnh bị tắc nghẽn hoàn toàn, bệnh nhân có thể rơi vào trạng thái hôn mê hoặc liệt nửa người, hay được gọi là đột quỵ.
Phình động mạch
Xơ vữa động mạch cũng có thể dẫn đến sự phình to của động mạch. Bệnh này không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, nếu động mạch bị phình to và vỡ ra sẽ dẫn đến chảy máu bên trong cơ thể, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Điều trị xơ vữa động mạch chi dưới như thế nào?
Các bác sĩ và chuyên gia cho biết, chúng ta không thể ngăn chặn hoàn toàn quá trình xơ vữa động mạch chi dưới. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, chúng ta chỉ có thể ngăn ngữa và điều trị bệnh thông qua những phương pháp sau:
Thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh
Việc ưu tiên các loại thực phẩm có lợi cho tim có thể giúp kiểm soát nguy cơ gây xơ vữa động mạch. Bạn nên tăng cường ăn trái cây, rau cải và ngũ cốc nguyên hạt, đồng thời giảm thiểu lượng carbohydrate, chất béo bão hòa và natri.
Bỏ thuốc lá
Hút thuốc lá cũng gây tổn thương cho lớp tế bào nội mạch của động mạch, dẫn đến sự tích tụ mảng bám trong động mạch. Ngoài ra, thuốc lá còn có thể giảm lượng cholesterol tốt (HDL cholesterol), gây tăng huyết áp và áp lực lên động mạch. Vì vậy, bỏ thuốc lá được xem là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn quá trình xơ vữa động mạch và giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Tập thể dục
Tập thể dục không chỉ giúp cải thiện tuần hoàn máu mà còn giúp cơ thể luân chuyển oxy hiệu quả hơn. Việc tập thể dục vừa phải trong khoảng 30 phút mỗi ngày là cực kỳ có lợi cho cơ thể. Bạn cũng có thể chia hoạt động thể dục thành các phần ngắn và tập khoảng 10 phút mỗi lần để vừa với sức của bản thân.
Hạn chế căng thẳng, stress
Bạn nên thực hành các biện pháp thư giãn như: Hít thở sâu, thiền và yoga để giúp giảm căng thẳng. Ngoài ra, việc tập thể dục, trò chuyện với bạn bè và gia đình hoặc gặp các chuyên gia tâm lý cũng có hiệu quả tốt trong việc cải thiện tâm trạng. Tâm trạng tốt sẽ giúp cơ thể sản sinh ra các hoormon có lợi cho tuần hoàn máu.
Giảm cân
Thừa cân là một yếu tố gây nguy cơ cao cho bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, thoái hóa xương khớp và cả ung thư. Tất cả đều có thể làm tăng nguy cơ gây xơ vữa động mạch. Giữ cân nặng ở mức hợp lý sẽ giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh xơ vữa động mạch.
Đặt stent nong mạch
Phương pháp nong mạch bằng bóng và đặt stent để giữ cho động mạch mở rộng được sử dụng trong các trường hợp đặc biệt, như nong và đặt stent ở động mạch vành, cảnh và chậu. Phương pháp này có thể giúp bệnh nhân hồi phục nhanh chóng, ít xâm lấn, ít đau đớn và có thể tái khám sau thủ thuật trong vòng 2-3 tiếng.
Phẫu thuật cắt bỏ nội mạc
Bác sĩ sẽ xẻ dọc động mạch bị xơ vữa, bóc tách lớp xơ vữa để lòng động mạch rộng ra như trước khi hẹp rồi khâu lại.
Phẫu bắc cầu động mạch
Phẫu thuật nối giữa các mạch cung cấp máu và mạch sau chỗ hẹp được thực hiện để tăng lượng máu đến vị trí bị hẹp. Ví dụ, phẫu thuật nối giữa động mạch chủ và động mạch vành. Hoặc nỗi giữa động mạch cảnh và mạch cảnh đối diện. Phẫu bắc cầu động mạch là một trong những phương pháp phẫu thuật tiên tiến cần các chuyên gia tay nghề cao thực hiện.
Như vậy, bài viết đã cung cấp thông tin chi tiết về xơ vữa động mạch chi dưới. Xơ vữa động mạch chi dưới hay xơ vữa động mạch chân là bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, tuy nhiên đang có nguy cơ ngày càng trẻ hóa. Để ngăn ngừa và điều trị bệnh, bạn hãy chủ động điều chỉnh thói quen sống lành mạnh hơn và thường xuyên thăm khám sức khỏe nếu có những dấu hiệu bất thường. Để theo dõi nhiều bài viết thú vị khác, đừng quên theo dõi website thường xuyên bạn nhé!